Saturday, June 4, 2016

Euro 2012: Iniesta – “Mũi khoan tẩm độc”

Nếu như Sergio Busquets được ví như “trạm trung chuyển” và Xavi Hernandez là “nhạc trưởng” thì với Andres Iniesta, anh được gọi là “mũi khoan tẩm độc”...


Đội tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 và Euro 2012 trong giai đoạn lối đá tiqui-taca được hình thành và phát triển cực thịnh. Nòng cốt trong lối chơi này là bộ ba tiền vệ CLB Barcelona – Sergio Busquets, Xavi Hernandez và Andres Iniesta. Nếu như Busquets được ví như “trạm trung chuyển” và Xavi là “nhạc trưởng” thì với Iniesta, anh được gọi là “mũi khoan tẩm độc”.

Có thể nói rằng, năm 2012 là giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Iniesta. Khi đó, anh 28 tuổi, vừa đủ độ chín về kinh nghiệm, tài năng, kỹ năng, sự trưởng thành. Trong số 3 nhân tố cốt lõi để phát triển lối chơi của đội tuyển Tây Ban Nha, Iniesta là người hoạt động và di chuyển nhiều nhất, rộng nhất.
Trong khi Busquets thiên về cách đá đập nhả, Xavi có sở trường “xoay compa” và những đường chuyền “chết người” thì Iniesta có xu hướng giữ bóng, đi bóng, thu hút và xộc thẳng vào các hậu vệ đối phương.
Nhỏ người (chỉ cao 1m71) nhưng đó là điều kiện lý tưởng để cầu thủ sinh ra ở Albacete này thực hiện các động tác qua người một cách khéo léo. Đôi chân vốn như dính với trái bóng, nên dù có thua thiệt về mặt thể hình thì Iniesta cũng hiếm khi để cho cầu thủ đối phương đoạt bóng khi tranh chấp tay đôi.
Iniesta được nhớ nhiều với cú volley ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết World Cup 2010 với Hà Lan, giúp Tây Ban Nha lần đầu tiên vô địch thế giới. Tuy nhiên, những gì anh thể hiện ở Euro 2012 mới làm nổi bật lên vai trò của anh.
Trước bất kỳ hàng thủ nào, từ Italia cho tới Croatia, Pháp, Bồ Đào Nha, cái cách mà một cầu thủ nhỏ bé như Iniesta khiến đối phương phải chao đảo, phải đuổi theo trong vô vọng (nếu không phạm lỗi) khiến người xem cảm thấy thích thú, phấn khích. Và đương nhiên, giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Vì khả năng xử lý bóng quá điêu luyện, gần như không để cách xa quá tầm nên ngay cả khi lao vào đám đông hậu vệ đối phương thì tiền vệ người Tây Ban Nha khiến cho đối thủ không thể chạm vào bóng.
Iniesta không ghi bàn thắng nào tại Euro 2012 (không tính loạt đá luân lưu) nhưng với những đường chuyền kiến tạo, tầm quan sát và khả năng lôi kéo đối thủ giúp đồng đội, anh vẫn được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất ở 3 trận đấu – trong đó có trận chung kết với Italia, và cuối cùng là danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải một cách xứng đáng.
Khả năng lôi kéo hậu vệ đối phương chính là lý do để anh được ví như “mũi khoan tẩm độc”.
Vì sao nói năm 2012 là giai đoạn đỉnh cao nhất của Iniesta? Vì không chỉ giải đấu diễn ra tại Ba Lan và Ukraina, Iniesta còn nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu năm 2012, Cầu thủ xuất sắc nhất Champions League mùa giải 2011/12, được IFFHS bầu chọn là Tiền vệ tổ chức hay nhất thế giới năm 2012 và lọt vào danh sách 3 ứng viên cuối cùng cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA 2012 (về thứ 3).
Giờ đây, khi Xavi đã giải nghệ, vai trò của Iniesta sẽ càng trở nên quan trọng hơn với CLB Barcelona và ĐTQG, mặc dù “mũi khoan” đã bước sang tuổi 32. 

Tam Nguyên_Thứ sáu, 03/06/2016 17:50
http://bongdaso.com/Euro-2012-Iniesta-%E2%80%93-M%C5%A9i-khoan-t%E1%BA%A9m-%C4%91%E1%BB%99c-_Art_164180.aspx

LỊCH SỬ EURO: 2012 – Tiqui-taca vẫn nhảy cùng Tango

“Trào lưu” đồng đăng cai vẫn được tiếp nối tại Euro 2012, với 2 đội chủ nhà là Ba Lan và Ukraina, đồng thời, giải đấu có thêm một điều không thay đổi – Tây Ban Nha vẫn vô địch cùng tiqui-taca huyền thoại.


Cũng như VCK Euro 2008, 2 đội chủ nhà đều bị loại ngay sau vòng đấu bảng khi chưa đủ thực lực để tạo nên những bất ngờ. Nhưng ngoài họ, bất ngờ lớn nhất tại vòng bảng là thất bại của đội tuyển Hà Lan. Rơi vào “bảng tử thần”, Cơn lốc da cam chỉ còn là cơn gió thoảng trước Đức, Bồ Đào Nha và Đan Mạch, với 3 trận toàn thua.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Italia, Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha tạo nên một vòng tứ kết đáng chờ đợi cùng 2 đối thủ “may mắn” của bảng A là CH Séc và Hy Lạp. Cựu vô địch châu Âu 2004, Hy Lạp chỉ đứng trên đội tuyển Nga nhờ hiệu số đối đầu, trong khi CH Séc là đội đầu tiên trong lịch sử giành vị trí số 1 tại vòng bảng và đi tiếp với hiệu số “âm”.

Tại tứ kết, vị thế của họ được đặt đúng chỗ trước Bồ Đào Nha và Đức, trong khi Tây Ban Nha phục thù thất bại tại tứ kết Euro 2000 cùng như vòng knock-out World Cup 2006 trước đội tuyển Pháp bằng chiến thắng 2-0.

Anh và Italia là cặp đấu kịch tính nhất, khi phải nhờ đến loạt luân lưu mới có kết quả cuối cùng là tấm vé bán kết cho đội quân Thiên thanh.

Người Italia khuất phục Đức tại bán kết, trong khi trận derby bán đảo Iberia giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phải chờ đến loạt sút luân lưu. Cristiano Ronaldo không có cơ hội được đá quả cuối cùng, bởi trước đó, 2 đồng đội của anh đã đá hỏng, trong khi Tây Ban Nha chỉ có Xabi Alonso không thành công.

Tây Ban Nha tái ngộ Italia ở chung kết sau khi đã hòa nhau 1-1 ở vòng bảng. Đó là lý do khiến giới chuyên môn đánh giá cao đội bóng đến từ đất nước hình chiếc ủng. Tuy nhiên, bản thân thầy trò HLV Vicente del Bosque cũng đã rút ra được những bài học từ trận đấu đó cũng như hành trình qua các vòng đấu để phát huy tối đa sức mạnh của lối đá tiqui-taca.

Tây Ban Nha thắng 4-0 – tỷ số đậm nhất trong lịch sử các trận chung kết Euro, để một lần nữa dàn sao gồm Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Xabi Alonso, David Silva, Cesc Fabregas thi triển tiqui-taca cùng “điệu Tango” (tên quả bóng chính thức là Adidas Tango) và chinh phục Lục địa già.

La Roja trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu. Họ thậm chí còn làm được điều mà chưa từng có đội nào thực hiện được – vô địch 3 giải đấu lớn liên tiếp, gồm Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012.

Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, danh hiệu Chiếc giày vàng được chia sẻ cho… 6 cầu thủ cùng ghi được 3 bàn thắng.

THÔNG TIN VỀ EURO 2012
- Vô địch: Tây Ban Nha
- Á quân: Italia
- Số bàn thắng: 76 (2,45 bàn/trận)
- Cầu thủ xuất sắc nhất: Andres Iniesta (Tây Ban Nha)
- Vua phá lưới: Mario Mandzukic (Croatia), Mario Gomez (Đức), Mario Balotelli (Italia), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), Alan Dzagoev (Nga), Fernando Torres (Tây Ban Nha).
- Đội hình tiêu biểu: Iker Casillas (Tây Ban Nha); Fabio Coentrao (Bồ Đào Nha), Pepe (Bồ Đào Nha), Sergio Ramos (Tây Ban Nha), Jordi Alba (Tây Ban Nha); Sami Khedira (Đức), Andrea Pirlo (Italia), Andres Iniesta (Tây Ban Nha), Xavi Hernandez (Tây Ban Nha); Mario Balotelli (Italia), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha).

Tam Nguyên_Thứ sáu, 03/06/2016 16:41
http://bongdaso.com/L%E1%BB%8ACH-S%E1%BB%AC-EURO-2012-%E2%80%93-Tiqui-taca-v%E1%BA%ABn-nh%E1%BA%A3y-c%C3%B9ng-Tango-_Art_164179.aspx

Thursday, June 2, 2016

EURO 2008: Xavi - Nhạc trưởng của những nhạc trưởng

Không quá khi cho rằng Xavi là nhạc trưởng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Tây Ban Nha, nhạc trưởng của những nhạc trưởng trong lịch sử La Roja.



Trước Xavi, ở cấp độ quốc gia, Luis Suarez được coi là nhạc trưởng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá TBN. Bởi chính cựu tiền vệ Barca này là nhân tố chính giúp La Roja giành chức vô địch Euro 1964.

Ngôi Quán quân Euro 1964 là danh hiệu lớn nhất mà TBN giành được trước khi họ đoạt chức VĐ Euro 2008 sau 44 năm chờ đợi rồi thống trị bóng đá thế giới và châu Âu với chức vô địch World Cup 2010 và Euro 2012.

Trong màu áo Barcelona, Luis Suárez cũng nổi danh khi giành được 2 chức vô địch La Liga trước khi chuyển sang Inter Milan cùng đội bóng Italia giành 3 ngôi Quán quân Serie A và 2 chức vô địch Cúp C1 (Champions League). 

Tuy nhiên, ngay cả thành tích gặt hái được ở cấp CLB cùng cả Barca và Inter Milan thì Luis Suárez vẫn thua Xavi. Tiền vệ 36 tuổi hiện khoác áo Al Sadd đã giành tổng cộng 8 chức vô địch La Liga và 4 danh hiệu Champions League với Barca.

Riêng trong màu áo tuyển TBN, Xavi cũng “ăn đứt” Luis Suárez với chức VĐ World Cup 2010 và 2 chức VĐ Euro đặc biệt là ngôi Quán quân Euro 2008, giải đấu mang dấu ấn đậm nét của nhạc trưởng tài hoa xứ Catalan điển hình là đường chuyền xé toang hàng thủ Đức giúp Torres ghi bàn duy nhất.

Có quá nhiều bài viết để ca ngợi vai trò và tầm ảnh hưởng của Xavi trong thời kì huy hoàng của TBN, nhưng cô động nhất là nhận xét của Andy Roxburgh, trưởng Ban kỹ thuật UEFA khi chọn cựu tiền vệ Barca là Cầu thủ xuất sắc nhất Euro 2008: “Chúng tôi chọn Xavi vì anh ấy là hình ảnh thu nhỏ về lối chơi của TBN. Anh ấy có ảnh hưởng trong tất cả những lần kiểm soát bóng, chuyền bóng và sự sắc sảo mà TBN thể hiện”.

Tiếc cho Xavi, dù được công nhận là nhạc trưởng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá TBN nhưng danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Euro 2008 là giải thưởng cá nhân cao quý nhất mà tiền vệ được coi là linh hồn của lối đá tiqui-taca giúp La Roja thống trị bóng đá châu Âu và thế giới này giành được. Xavi chưa và sẽ không bao giờ đoạt được QBV, như tiền bối Luis Suarez từng đoạt được vào năm 1960.

Xuân Hà_Thứ năm, 02/06/2016 21:03
http://bongdaso.com/EURO-2008-Xavi---Nh%E1%BA%A1c-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%E1%BB%A7a-nh%E1%BB%AFng-nh%E1%BA%A1c-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-_Art_164152.aspx

LỊCH SỬ EURO: 2008 - La Roja ‘‘vô đối’’

Sau 44 năm chờ đợi kể từ lần đầu tiên lên ngôi vào năm 1964, tuyển Tây Ban Nha đã giành chức vô địch Euro 2008 với thành tích bất bại.


Euro 2008 là giải đấu thứ 2 được tổ chức ở 2 quốc gia, Áo và Thuỵ Sỹ. Hai nước chủ nhà đã không để lại ấn tượng gì và bị loại ngay ở vòng bảng.

Đúng như dự đoán của các nhà cái cùng các chuyên gia cũng như giới mộ điệu, Hy Lạp đã hiện nguyên hình là một hiện tượng khi không thể bảo vệ chức vô địch đã giành được đầy bất ngờ 4 năm trước đó. 

Đoàn quân của Otto Rehhagel gây thất vọng lớn khi trở thành một trong những đội bảo vệ chức vô địch tệ nhất lịch sử Euro vì để thua cả 3 trận ở vòng bảng, ghi được đúng 1 bàn, để thủng lưới 5 bàn.

Xét về mặt nào đó, việc Tây Ban Nha giành chức vô địch Euro 2008 cũng là một bất ngờ. Bởi La Roja, với biệt danh ‘‘Vua vòng loại’’ không phải là ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch (ở Euro 2004, La Roja bị loại ngay vòng bảng) như Đức, nhà ĐKVĐ thế giới Italia hay Hà Lan.

Sau khởi đầu như mơ với 3 trận toàn thắng ở vòng bảng, Cơn lốc màu da cam đã bất ngờ gục ngã trước Nga ở tứ kết. Cũng ở vòng đấu này, Đức đã vượt qua Bồ Đào Nha trong khi Tây Ban Nha loại ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch Italia ở loạt luân lưu 11m.

Trong trận bán kết, La Roja đã đè bẹp ‘ngựa ô’ Nga (3-0) còn Đức vượt qua một hiện tượng khác là Thổ Nhĩ Kỳ (3-2). Ở trận chung kết, Tây Ban Nha đã đánh bại Cỗ xe tăng bằng bàn thắng duy nhất của Fernando Torres.

Tây Ban Nha trở thành đội bóng thứ 2 trong lịch sử, sau Pháp vào năm 1984, giành chức vô địch với thành tích toàn thắng ở vòng bảng. La Roja cũng là đội bóng đầu tiên giành chức vô địch với thành tích bất bại, sau khi Đức lập được kì tích này ở Euro 1996.

Chức vô địch Euro 2008 giúp La Roja rũ bỏ biệt danh ‘‘Vua vòng loại’’ qua đó mở ra thời kì huy hoàng trong lịch sử bóng đá TBN với 2 chức vô địch World Cup 2010 và Euro 2012.

THÔNG TIN VỀ EURO 2008
+ Vô địch : TBN
+ Á quân: Đức
+ Vua phá lưới: David Villa (4 bàn)
+ Cầu thủ xuất sắc nhất (Xavi)
Đội hình tiêu biểu
Thủ môn: Gianluigi Buffon (Italia), Iker Casillas (TBN), Van der Sar (Hà Lan)
Hậu vệ: José Bosingwa (BĐN), Philipp Lahm (Đức), Carlos Marchena (TBN), Pepe (BĐN), Carles Puyol (TBN), Yuri Zhirkov (Nga)
Tiền vệ: Hamit Altıntop (TNK),  Michael Ballack (Đức),  Cesc Fàbregas (TBN), Iniesta (TBN), Modric (Croatia), Lukas Podolski (Đức), Senna (TBN), Sneijder (Hà Lan), Xavi (TBN), Konstantin Zyryanov (Nga)  
Tiền đạo: Russia Andrey Arshavin (Nga), Roman Pavlyuchenko (Nga), Torres (TBN), David Villa (TBN)

Hữu Hải_Thứ năm, 02/06/2016 13:59
http://bongdaso.com/L%E1%BB%8ACH-S%E1%BB%AC-EURO-2008---La-Roja-%E2%80%98%E2%80%98v%C3%B4-%C4%91%E1%BB%91i%E2%80%99%E2%80%99-_Art_164142.aspx

EURO 2004: Charisteas và cú lắc đầu diệu kỳ

Charisteas là cái tên vô danh trước thềm Euro 2004. Sau giải đấu, chẳng ai còn nhớ tới anh. Trong cả sự nghiệp của mình, Charisteas chỉ “bùng cháy” trong vòng chưa đầy 1 tháng nhưng nó đã mang tới chiến công diệu kỳ nhất trong lịch sử Euro với chức vô địch của Hy Lạp.


Cú lắc đầu định mệnh

Bồ Đào Nha với thế hệ tràn đầy khát khao vô địch Euro 2004 trên sân nhà. Thực tế, họ đã chứng minh là đội tuyển mạnh nhất giải đấu. Tuy nhiên, vào phút chót, người Bồ đã ngã quỵ với những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt C.Ronaldo và các đồng đội.

Người mang tên cơn ác mộng cho Bồ Đào Nha không ai khác chính là Charisteas. Một cú dậm nhảy, lắc đầu tinh tế, Charisteas đã đưa trái bóng nằm gọn trong khung thành của Ricardo và phủ bóng đen lên Estádio da Luz, nơi hàng vạn CĐV Bồ Đào Nha đang chờ đăng quang.

Nói về khoảnh khắc định mệnh ấy, tờ Guardian đã gọi đó là “Bàn thắng vàng” và xếp nó đứng cạnh hàng loạt pha lập công nổi tiếng khác của Alcides Ghiggia (chung kết World Cup 1950), Geoff Hurst (chung kết World Cup 1966) hay Andrés Iniesta (chung kết World Cup 2010).

Ở giải đấu năm đó, Charisteas chỉ ghi đúng 3 bàn thắng nhưng đó đều là pha lập công mang ý nghĩa sống còn với Hy Lạp. Ngoài pha làm bàn trong trận chung kết Euro 2004, cầu thủ này còn ghi bàn gỡ hòa trong trận đấu với TBN ở vòng bảng (tiền đề để Hy Lạp có vé vào vòng đấu tiếp theo) và ghi bàn duy nhất vào lưới đội tuyển Pháp ở vòng tứ kết.

Sở hữu thể hình lý tưởng (cao 1m91) cùng khả năng chọn vị trí cực tốt, Charisteas thực sự là “ông vua” của Euro 2004. Thế nhưng, điều đáng tiếc, trong cả sự nghiệp, tiền đạo này chỉ “bùng cháy” trong vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng ở Euro 2004.



Sự nghiệp “bùng cháy” trong 1 tháng

Cũng như nhiều đồng đội khác ở đội tuyển Hy Lạp, Charisteas nhanh chóng bị quên lãng sau Euro 2004. Không nhiều CLB đưa ra lời dạm hỏi với tiền đạo này. Thay vào đó, anh vẫn phải ở lại và… chịu kiếp dự bị ở Werder Bremen.

Mùa giải 2004/05, Charisteas chỉ ghi 5 bàn sau 11 trận ra sân cho đội bóng nước Đức, trước khi sang Ajax với mức phí 4,5 triệu euro. Đó cũng là bước khởi đầu trong cuộc phiêu bạt của Charisteas.

Không thể cạnh tranh vị trí ở Ajax, Charisteas buộc phải sang Feyenoord vào năm 2006. Tuy nhiên, cầu thủ này cũng chỉ trụ lại CLB đúng 1 mùa giải trước khi trở về Đức thi đấu cho Nürnberg. Sau đó, người hùng của đội tuyển Hy Lạp lần lượt chuyển sang Leverkusen, Arles-Avignon, Schalke 04, Panetolikos trước khi giải nghệ trong màu áo Al Nassr.

Sau này, Charisteas và các đồng đội ở đội tuyển Hy Lạp cũng không thể nào tìm được thành công ở các giải đấu lớn. Anh giải nghệ vào năm 2011 với “tài sản” là 88 lần ra sân và 25 bàn thắng cho đội tuyển Hy Lạp.

Có thể thấy, Charisteas đã dành mọi tinh túy cho “phút huy hoàng” ở Euro 2004, để rồi “tắt ngóm” trong cả sự nghiệp.

Tuy nhiên, tất cả vẫn nhớ tới anh và chiến công của đội tuyển Hy Lạp ở Euro 2004 như câu chuyện cổ tích khó tin nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Minh Anh_Thứ tư, 01/06/2016 23:58
http://bongdaso.com/EURO-2004-Charisteas-v%C3%A0-c%C3%BA-l%E1%BA%AFc-%C4%91%E1%BA%A7u-di%E1%BB%87u-k%E1%BB%B3-_Art_164121.aspx

LỊCH SỬ EURO: 2004 - Câu chuyện về phép mầu nhiệm

Độ tuyển Hy Lạp đã tạo nên chiến tích sốc nhất trong lịch sử Euro với chức vô địch năm 2004 trên đất Bồ Đào Nha. Tới tận bây giờ và rất nhiều năm sau, câu chuyện thần thánh của thày trò Otto Rehhagel.


Năm 2004 đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện “điên rồ”. Ở Champions League, Porto và Monaco đã loại rất nhiều ông lớn để lọt vào trận chung kết (cuối cùng, Porto lên ngôi).

Vài tháng sau đó, Hy Lạp đã tạo nên cú sốc lớn ở Euro 2004. Mặc dù là một trong những đối thủ yếu nhất giải (tỷ lệ đặt cược vô địch là 250/1) nhưng đoàn quân của HLV Otto Rehhagel đã lên ngôi vô địch một cách thần kỳ.

Lối chơi của Hy Lạp ở giải đấu đó chẳng có gì đặc biệt. Họ tập trung tử thủ và chờ đợi phép màu từ những tình huống cố định. Mọi đối thủ đều biết trước lối chơi ấy nhưng không thể nào cản phá.

Từ vòng tứ kết tới trận chung kết, Hy Lạp đều giành chiến thắng với tỷ số 1-0 (trước Pháp, CH Séc và Bồ Đào Nha) nhờ cả 3 quả đánh đầu của Charisteas (2 bàn) và Dellas.

Tới tận bây giờ và rất nhiều năm sau, câu chuyện thần thánh của thày trò Otto Rehhagel. Có lẽ, chẳng ai có thể lý giải hợp lý kỳ tích của đội tuyển Hy lạp (cũng như Leicester City ở Premier League mùa này). Có chăng, câu trả lời cuối cùng chỉ gói gọn trong từ “phép màu”. Bởi lẽ, những năm sau này, cũng với “công thức” ấy và HLV Otto Rehhagel, Hy Lạp chẳng thể hiện được nhiều.

Hàng loạt ngôi sao của đội tuyển Hy Lạp như Zagorakis, Angelos Charisteas, Traianos Dellas, Giorgos Karagounis… đều rơi vào quên lãng sau giải đấu thần thánh này.



Ở Euro 2004, nhiều người đã tỏ ra nuối tiếc cho chủ nhà Bồ Đào Nha. Năm ấy, “Selecao châu Âu đã trình làng lực lượng vô cùng đáng gớm với Luís Figo, Couto, Rui Costa, Deco… cộng thêm ngôi sao trẻ đầy triển vọng là C.Ronaldo.

Đây có thể xem là lứa hoàn hảo nhất của Bồ Đào Nha trong nhiều năm trở lại đây. Họ đã trình diễn lối chơi vô cùng thuyết phục trong suốt giải đấu. Đáng tiếc, cú đánh đầu định mệnh của Charisteas ở trận chung kết đã phá hỏng tất cả.

THÔNG TIN VỀ EURO 2004
Vô địch: Hy Lạp 
Á quân: Bồ Đào Nha 
Vua phá lưới: Milan Baros (CH Séc, 5 bàn) 
Cầu thủ xuất sắc nhất: Theodoros Zagorakis (Hy Lạp) 
- Đội hình tiêu biểu: Petr Cech (CH Séc) - Traianos Dellas, Giourkas Seitaridis (Hy Lạp); Ricardo Carvalho (BĐN); Gianluca Zambrotta (Italia) – Maniche (BĐN); Pavel Nedved (CH Séc); Theodoros Zagorakis (Hy Lạp) – Milan Baros (CH Séc); Cristiano Ronaldo (BĐN); Wayne Rooney (Anh)


Minh Anh_Thứ tư, 01/06/2016 16:55
http://bongdaso.com/L%E1%BB%8ACH-S%E1%BB%AC-EURO-2004---C%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n-v%E1%BB%81-ph%C3%A9p-m%E1%BA%A7u-nhi%E1%BB%87m-_Art_164101.aspx