Saturday, June 4, 2016

Euro 2012: Iniesta – “Mũi khoan tẩm độc”

Nếu như Sergio Busquets được ví như “trạm trung chuyển” và Xavi Hernandez là “nhạc trưởng” thì với Andres Iniesta, anh được gọi là “mũi khoan tẩm độc”...


Đội tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 và Euro 2012 trong giai đoạn lối đá tiqui-taca được hình thành và phát triển cực thịnh. Nòng cốt trong lối chơi này là bộ ba tiền vệ CLB Barcelona – Sergio Busquets, Xavi Hernandez và Andres Iniesta. Nếu như Busquets được ví như “trạm trung chuyển” và Xavi là “nhạc trưởng” thì với Iniesta, anh được gọi là “mũi khoan tẩm độc”.

Có thể nói rằng, năm 2012 là giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Iniesta. Khi đó, anh 28 tuổi, vừa đủ độ chín về kinh nghiệm, tài năng, kỹ năng, sự trưởng thành. Trong số 3 nhân tố cốt lõi để phát triển lối chơi của đội tuyển Tây Ban Nha, Iniesta là người hoạt động và di chuyển nhiều nhất, rộng nhất.
Trong khi Busquets thiên về cách đá đập nhả, Xavi có sở trường “xoay compa” và những đường chuyền “chết người” thì Iniesta có xu hướng giữ bóng, đi bóng, thu hút và xộc thẳng vào các hậu vệ đối phương.
Nhỏ người (chỉ cao 1m71) nhưng đó là điều kiện lý tưởng để cầu thủ sinh ra ở Albacete này thực hiện các động tác qua người một cách khéo léo. Đôi chân vốn như dính với trái bóng, nên dù có thua thiệt về mặt thể hình thì Iniesta cũng hiếm khi để cho cầu thủ đối phương đoạt bóng khi tranh chấp tay đôi.
Iniesta được nhớ nhiều với cú volley ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết World Cup 2010 với Hà Lan, giúp Tây Ban Nha lần đầu tiên vô địch thế giới. Tuy nhiên, những gì anh thể hiện ở Euro 2012 mới làm nổi bật lên vai trò của anh.
Trước bất kỳ hàng thủ nào, từ Italia cho tới Croatia, Pháp, Bồ Đào Nha, cái cách mà một cầu thủ nhỏ bé như Iniesta khiến đối phương phải chao đảo, phải đuổi theo trong vô vọng (nếu không phạm lỗi) khiến người xem cảm thấy thích thú, phấn khích. Và đương nhiên, giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Vì khả năng xử lý bóng quá điêu luyện, gần như không để cách xa quá tầm nên ngay cả khi lao vào đám đông hậu vệ đối phương thì tiền vệ người Tây Ban Nha khiến cho đối thủ không thể chạm vào bóng.
Iniesta không ghi bàn thắng nào tại Euro 2012 (không tính loạt đá luân lưu) nhưng với những đường chuyền kiến tạo, tầm quan sát và khả năng lôi kéo đối thủ giúp đồng đội, anh vẫn được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất ở 3 trận đấu – trong đó có trận chung kết với Italia, và cuối cùng là danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải một cách xứng đáng.
Khả năng lôi kéo hậu vệ đối phương chính là lý do để anh được ví như “mũi khoan tẩm độc”.
Vì sao nói năm 2012 là giai đoạn đỉnh cao nhất của Iniesta? Vì không chỉ giải đấu diễn ra tại Ba Lan và Ukraina, Iniesta còn nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu năm 2012, Cầu thủ xuất sắc nhất Champions League mùa giải 2011/12, được IFFHS bầu chọn là Tiền vệ tổ chức hay nhất thế giới năm 2012 và lọt vào danh sách 3 ứng viên cuối cùng cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA 2012 (về thứ 3).
Giờ đây, khi Xavi đã giải nghệ, vai trò của Iniesta sẽ càng trở nên quan trọng hơn với CLB Barcelona và ĐTQG, mặc dù “mũi khoan” đã bước sang tuổi 32. 

Tam Nguyên_Thứ sáu, 03/06/2016 17:50
http://bongdaso.com/Euro-2012-Iniesta-%E2%80%93-M%C5%A9i-khoan-t%E1%BA%A9m-%C4%91%E1%BB%99c-_Art_164180.aspx

LỊCH SỬ EURO: 2012 – Tiqui-taca vẫn nhảy cùng Tango

“Trào lưu” đồng đăng cai vẫn được tiếp nối tại Euro 2012, với 2 đội chủ nhà là Ba Lan và Ukraina, đồng thời, giải đấu có thêm một điều không thay đổi – Tây Ban Nha vẫn vô địch cùng tiqui-taca huyền thoại.


Cũng như VCK Euro 2008, 2 đội chủ nhà đều bị loại ngay sau vòng đấu bảng khi chưa đủ thực lực để tạo nên những bất ngờ. Nhưng ngoài họ, bất ngờ lớn nhất tại vòng bảng là thất bại của đội tuyển Hà Lan. Rơi vào “bảng tử thần”, Cơn lốc da cam chỉ còn là cơn gió thoảng trước Đức, Bồ Đào Nha và Đan Mạch, với 3 trận toàn thua.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Italia, Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha tạo nên một vòng tứ kết đáng chờ đợi cùng 2 đối thủ “may mắn” của bảng A là CH Séc và Hy Lạp. Cựu vô địch châu Âu 2004, Hy Lạp chỉ đứng trên đội tuyển Nga nhờ hiệu số đối đầu, trong khi CH Séc là đội đầu tiên trong lịch sử giành vị trí số 1 tại vòng bảng và đi tiếp với hiệu số “âm”.

Tại tứ kết, vị thế của họ được đặt đúng chỗ trước Bồ Đào Nha và Đức, trong khi Tây Ban Nha phục thù thất bại tại tứ kết Euro 2000 cùng như vòng knock-out World Cup 2006 trước đội tuyển Pháp bằng chiến thắng 2-0.

Anh và Italia là cặp đấu kịch tính nhất, khi phải nhờ đến loạt luân lưu mới có kết quả cuối cùng là tấm vé bán kết cho đội quân Thiên thanh.

Người Italia khuất phục Đức tại bán kết, trong khi trận derby bán đảo Iberia giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phải chờ đến loạt sút luân lưu. Cristiano Ronaldo không có cơ hội được đá quả cuối cùng, bởi trước đó, 2 đồng đội của anh đã đá hỏng, trong khi Tây Ban Nha chỉ có Xabi Alonso không thành công.

Tây Ban Nha tái ngộ Italia ở chung kết sau khi đã hòa nhau 1-1 ở vòng bảng. Đó là lý do khiến giới chuyên môn đánh giá cao đội bóng đến từ đất nước hình chiếc ủng. Tuy nhiên, bản thân thầy trò HLV Vicente del Bosque cũng đã rút ra được những bài học từ trận đấu đó cũng như hành trình qua các vòng đấu để phát huy tối đa sức mạnh của lối đá tiqui-taca.

Tây Ban Nha thắng 4-0 – tỷ số đậm nhất trong lịch sử các trận chung kết Euro, để một lần nữa dàn sao gồm Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Xabi Alonso, David Silva, Cesc Fabregas thi triển tiqui-taca cùng “điệu Tango” (tên quả bóng chính thức là Adidas Tango) và chinh phục Lục địa già.

La Roja trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu. Họ thậm chí còn làm được điều mà chưa từng có đội nào thực hiện được – vô địch 3 giải đấu lớn liên tiếp, gồm Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012.

Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, danh hiệu Chiếc giày vàng được chia sẻ cho… 6 cầu thủ cùng ghi được 3 bàn thắng.

THÔNG TIN VỀ EURO 2012
- Vô địch: Tây Ban Nha
- Á quân: Italia
- Số bàn thắng: 76 (2,45 bàn/trận)
- Cầu thủ xuất sắc nhất: Andres Iniesta (Tây Ban Nha)
- Vua phá lưới: Mario Mandzukic (Croatia), Mario Gomez (Đức), Mario Balotelli (Italia), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), Alan Dzagoev (Nga), Fernando Torres (Tây Ban Nha).
- Đội hình tiêu biểu: Iker Casillas (Tây Ban Nha); Fabio Coentrao (Bồ Đào Nha), Pepe (Bồ Đào Nha), Sergio Ramos (Tây Ban Nha), Jordi Alba (Tây Ban Nha); Sami Khedira (Đức), Andrea Pirlo (Italia), Andres Iniesta (Tây Ban Nha), Xavi Hernandez (Tây Ban Nha); Mario Balotelli (Italia), Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha).

Tam Nguyên_Thứ sáu, 03/06/2016 16:41
http://bongdaso.com/L%E1%BB%8ACH-S%E1%BB%AC-EURO-2012-%E2%80%93-Tiqui-taca-v%E1%BA%ABn-nh%E1%BA%A3y-c%C3%B9ng-Tango-_Art_164179.aspx

Thursday, June 2, 2016

EURO 2008: Xavi - Nhạc trưởng của những nhạc trưởng

Không quá khi cho rằng Xavi là nhạc trưởng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Tây Ban Nha, nhạc trưởng của những nhạc trưởng trong lịch sử La Roja.



Trước Xavi, ở cấp độ quốc gia, Luis Suarez được coi là nhạc trưởng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá TBN. Bởi chính cựu tiền vệ Barca này là nhân tố chính giúp La Roja giành chức vô địch Euro 1964.

Ngôi Quán quân Euro 1964 là danh hiệu lớn nhất mà TBN giành được trước khi họ đoạt chức VĐ Euro 2008 sau 44 năm chờ đợi rồi thống trị bóng đá thế giới và châu Âu với chức vô địch World Cup 2010 và Euro 2012.

Trong màu áo Barcelona, Luis Suárez cũng nổi danh khi giành được 2 chức vô địch La Liga trước khi chuyển sang Inter Milan cùng đội bóng Italia giành 3 ngôi Quán quân Serie A và 2 chức vô địch Cúp C1 (Champions League). 

Tuy nhiên, ngay cả thành tích gặt hái được ở cấp CLB cùng cả Barca và Inter Milan thì Luis Suárez vẫn thua Xavi. Tiền vệ 36 tuổi hiện khoác áo Al Sadd đã giành tổng cộng 8 chức vô địch La Liga và 4 danh hiệu Champions League với Barca.

Riêng trong màu áo tuyển TBN, Xavi cũng “ăn đứt” Luis Suárez với chức VĐ World Cup 2010 và 2 chức VĐ Euro đặc biệt là ngôi Quán quân Euro 2008, giải đấu mang dấu ấn đậm nét của nhạc trưởng tài hoa xứ Catalan điển hình là đường chuyền xé toang hàng thủ Đức giúp Torres ghi bàn duy nhất.

Có quá nhiều bài viết để ca ngợi vai trò và tầm ảnh hưởng của Xavi trong thời kì huy hoàng của TBN, nhưng cô động nhất là nhận xét của Andy Roxburgh, trưởng Ban kỹ thuật UEFA khi chọn cựu tiền vệ Barca là Cầu thủ xuất sắc nhất Euro 2008: “Chúng tôi chọn Xavi vì anh ấy là hình ảnh thu nhỏ về lối chơi của TBN. Anh ấy có ảnh hưởng trong tất cả những lần kiểm soát bóng, chuyền bóng và sự sắc sảo mà TBN thể hiện”.

Tiếc cho Xavi, dù được công nhận là nhạc trưởng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá TBN nhưng danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Euro 2008 là giải thưởng cá nhân cao quý nhất mà tiền vệ được coi là linh hồn của lối đá tiqui-taca giúp La Roja thống trị bóng đá châu Âu và thế giới này giành được. Xavi chưa và sẽ không bao giờ đoạt được QBV, như tiền bối Luis Suarez từng đoạt được vào năm 1960.

Xuân Hà_Thứ năm, 02/06/2016 21:03
http://bongdaso.com/EURO-2008-Xavi---Nh%E1%BA%A1c-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%E1%BB%A7a-nh%E1%BB%AFng-nh%E1%BA%A1c-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-_Art_164152.aspx

LỊCH SỬ EURO: 2008 - La Roja ‘‘vô đối’’

Sau 44 năm chờ đợi kể từ lần đầu tiên lên ngôi vào năm 1964, tuyển Tây Ban Nha đã giành chức vô địch Euro 2008 với thành tích bất bại.


Euro 2008 là giải đấu thứ 2 được tổ chức ở 2 quốc gia, Áo và Thuỵ Sỹ. Hai nước chủ nhà đã không để lại ấn tượng gì và bị loại ngay ở vòng bảng.

Đúng như dự đoán của các nhà cái cùng các chuyên gia cũng như giới mộ điệu, Hy Lạp đã hiện nguyên hình là một hiện tượng khi không thể bảo vệ chức vô địch đã giành được đầy bất ngờ 4 năm trước đó. 

Đoàn quân của Otto Rehhagel gây thất vọng lớn khi trở thành một trong những đội bảo vệ chức vô địch tệ nhất lịch sử Euro vì để thua cả 3 trận ở vòng bảng, ghi được đúng 1 bàn, để thủng lưới 5 bàn.

Xét về mặt nào đó, việc Tây Ban Nha giành chức vô địch Euro 2008 cũng là một bất ngờ. Bởi La Roja, với biệt danh ‘‘Vua vòng loại’’ không phải là ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch (ở Euro 2004, La Roja bị loại ngay vòng bảng) như Đức, nhà ĐKVĐ thế giới Italia hay Hà Lan.

Sau khởi đầu như mơ với 3 trận toàn thắng ở vòng bảng, Cơn lốc màu da cam đã bất ngờ gục ngã trước Nga ở tứ kết. Cũng ở vòng đấu này, Đức đã vượt qua Bồ Đào Nha trong khi Tây Ban Nha loại ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch Italia ở loạt luân lưu 11m.

Trong trận bán kết, La Roja đã đè bẹp ‘ngựa ô’ Nga (3-0) còn Đức vượt qua một hiện tượng khác là Thổ Nhĩ Kỳ (3-2). Ở trận chung kết, Tây Ban Nha đã đánh bại Cỗ xe tăng bằng bàn thắng duy nhất của Fernando Torres.

Tây Ban Nha trở thành đội bóng thứ 2 trong lịch sử, sau Pháp vào năm 1984, giành chức vô địch với thành tích toàn thắng ở vòng bảng. La Roja cũng là đội bóng đầu tiên giành chức vô địch với thành tích bất bại, sau khi Đức lập được kì tích này ở Euro 1996.

Chức vô địch Euro 2008 giúp La Roja rũ bỏ biệt danh ‘‘Vua vòng loại’’ qua đó mở ra thời kì huy hoàng trong lịch sử bóng đá TBN với 2 chức vô địch World Cup 2010 và Euro 2012.

THÔNG TIN VỀ EURO 2008
+ Vô địch : TBN
+ Á quân: Đức
+ Vua phá lưới: David Villa (4 bàn)
+ Cầu thủ xuất sắc nhất (Xavi)
Đội hình tiêu biểu
Thủ môn: Gianluigi Buffon (Italia), Iker Casillas (TBN), Van der Sar (Hà Lan)
Hậu vệ: José Bosingwa (BĐN), Philipp Lahm (Đức), Carlos Marchena (TBN), Pepe (BĐN), Carles Puyol (TBN), Yuri Zhirkov (Nga)
Tiền vệ: Hamit Altıntop (TNK),  Michael Ballack (Đức),  Cesc Fàbregas (TBN), Iniesta (TBN), Modric (Croatia), Lukas Podolski (Đức), Senna (TBN), Sneijder (Hà Lan), Xavi (TBN), Konstantin Zyryanov (Nga)  
Tiền đạo: Russia Andrey Arshavin (Nga), Roman Pavlyuchenko (Nga), Torres (TBN), David Villa (TBN)

Hữu Hải_Thứ năm, 02/06/2016 13:59
http://bongdaso.com/L%E1%BB%8ACH-S%E1%BB%AC-EURO-2008---La-Roja-%E2%80%98%E2%80%98v%C3%B4-%C4%91%E1%BB%91i%E2%80%99%E2%80%99-_Art_164142.aspx

EURO 2004: Charisteas và cú lắc đầu diệu kỳ

Charisteas là cái tên vô danh trước thềm Euro 2004. Sau giải đấu, chẳng ai còn nhớ tới anh. Trong cả sự nghiệp của mình, Charisteas chỉ “bùng cháy” trong vòng chưa đầy 1 tháng nhưng nó đã mang tới chiến công diệu kỳ nhất trong lịch sử Euro với chức vô địch của Hy Lạp.


Cú lắc đầu định mệnh

Bồ Đào Nha với thế hệ tràn đầy khát khao vô địch Euro 2004 trên sân nhà. Thực tế, họ đã chứng minh là đội tuyển mạnh nhất giải đấu. Tuy nhiên, vào phút chót, người Bồ đã ngã quỵ với những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt C.Ronaldo và các đồng đội.

Người mang tên cơn ác mộng cho Bồ Đào Nha không ai khác chính là Charisteas. Một cú dậm nhảy, lắc đầu tinh tế, Charisteas đã đưa trái bóng nằm gọn trong khung thành của Ricardo và phủ bóng đen lên Estádio da Luz, nơi hàng vạn CĐV Bồ Đào Nha đang chờ đăng quang.

Nói về khoảnh khắc định mệnh ấy, tờ Guardian đã gọi đó là “Bàn thắng vàng” và xếp nó đứng cạnh hàng loạt pha lập công nổi tiếng khác của Alcides Ghiggia (chung kết World Cup 1950), Geoff Hurst (chung kết World Cup 1966) hay Andrés Iniesta (chung kết World Cup 2010).

Ở giải đấu năm đó, Charisteas chỉ ghi đúng 3 bàn thắng nhưng đó đều là pha lập công mang ý nghĩa sống còn với Hy Lạp. Ngoài pha làm bàn trong trận chung kết Euro 2004, cầu thủ này còn ghi bàn gỡ hòa trong trận đấu với TBN ở vòng bảng (tiền đề để Hy Lạp có vé vào vòng đấu tiếp theo) và ghi bàn duy nhất vào lưới đội tuyển Pháp ở vòng tứ kết.

Sở hữu thể hình lý tưởng (cao 1m91) cùng khả năng chọn vị trí cực tốt, Charisteas thực sự là “ông vua” của Euro 2004. Thế nhưng, điều đáng tiếc, trong cả sự nghiệp, tiền đạo này chỉ “bùng cháy” trong vỏn vẹn chưa đầy 1 tháng ở Euro 2004.



Sự nghiệp “bùng cháy” trong 1 tháng

Cũng như nhiều đồng đội khác ở đội tuyển Hy Lạp, Charisteas nhanh chóng bị quên lãng sau Euro 2004. Không nhiều CLB đưa ra lời dạm hỏi với tiền đạo này. Thay vào đó, anh vẫn phải ở lại và… chịu kiếp dự bị ở Werder Bremen.

Mùa giải 2004/05, Charisteas chỉ ghi 5 bàn sau 11 trận ra sân cho đội bóng nước Đức, trước khi sang Ajax với mức phí 4,5 triệu euro. Đó cũng là bước khởi đầu trong cuộc phiêu bạt của Charisteas.

Không thể cạnh tranh vị trí ở Ajax, Charisteas buộc phải sang Feyenoord vào năm 2006. Tuy nhiên, cầu thủ này cũng chỉ trụ lại CLB đúng 1 mùa giải trước khi trở về Đức thi đấu cho Nürnberg. Sau đó, người hùng của đội tuyển Hy Lạp lần lượt chuyển sang Leverkusen, Arles-Avignon, Schalke 04, Panetolikos trước khi giải nghệ trong màu áo Al Nassr.

Sau này, Charisteas và các đồng đội ở đội tuyển Hy Lạp cũng không thể nào tìm được thành công ở các giải đấu lớn. Anh giải nghệ vào năm 2011 với “tài sản” là 88 lần ra sân và 25 bàn thắng cho đội tuyển Hy Lạp.

Có thể thấy, Charisteas đã dành mọi tinh túy cho “phút huy hoàng” ở Euro 2004, để rồi “tắt ngóm” trong cả sự nghiệp.

Tuy nhiên, tất cả vẫn nhớ tới anh và chiến công của đội tuyển Hy Lạp ở Euro 2004 như câu chuyện cổ tích khó tin nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Minh Anh_Thứ tư, 01/06/2016 23:58
http://bongdaso.com/EURO-2004-Charisteas-v%C3%A0-c%C3%BA-l%E1%BA%AFc-%C4%91%E1%BA%A7u-di%E1%BB%87u-k%E1%BB%B3-_Art_164121.aspx

LỊCH SỬ EURO: 2004 - Câu chuyện về phép mầu nhiệm

Độ tuyển Hy Lạp đã tạo nên chiến tích sốc nhất trong lịch sử Euro với chức vô địch năm 2004 trên đất Bồ Đào Nha. Tới tận bây giờ và rất nhiều năm sau, câu chuyện thần thánh của thày trò Otto Rehhagel.


Năm 2004 đã chứng kiến quá nhiều câu chuyện “điên rồ”. Ở Champions League, Porto và Monaco đã loại rất nhiều ông lớn để lọt vào trận chung kết (cuối cùng, Porto lên ngôi).

Vài tháng sau đó, Hy Lạp đã tạo nên cú sốc lớn ở Euro 2004. Mặc dù là một trong những đối thủ yếu nhất giải (tỷ lệ đặt cược vô địch là 250/1) nhưng đoàn quân của HLV Otto Rehhagel đã lên ngôi vô địch một cách thần kỳ.

Lối chơi của Hy Lạp ở giải đấu đó chẳng có gì đặc biệt. Họ tập trung tử thủ và chờ đợi phép màu từ những tình huống cố định. Mọi đối thủ đều biết trước lối chơi ấy nhưng không thể nào cản phá.

Từ vòng tứ kết tới trận chung kết, Hy Lạp đều giành chiến thắng với tỷ số 1-0 (trước Pháp, CH Séc và Bồ Đào Nha) nhờ cả 3 quả đánh đầu của Charisteas (2 bàn) và Dellas.

Tới tận bây giờ và rất nhiều năm sau, câu chuyện thần thánh của thày trò Otto Rehhagel. Có lẽ, chẳng ai có thể lý giải hợp lý kỳ tích của đội tuyển Hy lạp (cũng như Leicester City ở Premier League mùa này). Có chăng, câu trả lời cuối cùng chỉ gói gọn trong từ “phép màu”. Bởi lẽ, những năm sau này, cũng với “công thức” ấy và HLV Otto Rehhagel, Hy Lạp chẳng thể hiện được nhiều.

Hàng loạt ngôi sao của đội tuyển Hy Lạp như Zagorakis, Angelos Charisteas, Traianos Dellas, Giorgos Karagounis… đều rơi vào quên lãng sau giải đấu thần thánh này.



Ở Euro 2004, nhiều người đã tỏ ra nuối tiếc cho chủ nhà Bồ Đào Nha. Năm ấy, “Selecao châu Âu đã trình làng lực lượng vô cùng đáng gớm với Luís Figo, Couto, Rui Costa, Deco… cộng thêm ngôi sao trẻ đầy triển vọng là C.Ronaldo.

Đây có thể xem là lứa hoàn hảo nhất của Bồ Đào Nha trong nhiều năm trở lại đây. Họ đã trình diễn lối chơi vô cùng thuyết phục trong suốt giải đấu. Đáng tiếc, cú đánh đầu định mệnh của Charisteas ở trận chung kết đã phá hỏng tất cả.

THÔNG TIN VỀ EURO 2004
Vô địch: Hy Lạp 
Á quân: Bồ Đào Nha 
Vua phá lưới: Milan Baros (CH Séc, 5 bàn) 
Cầu thủ xuất sắc nhất: Theodoros Zagorakis (Hy Lạp) 
- Đội hình tiêu biểu: Petr Cech (CH Séc) - Traianos Dellas, Giourkas Seitaridis (Hy Lạp); Ricardo Carvalho (BĐN); Gianluca Zambrotta (Italia) – Maniche (BĐN); Pavel Nedved (CH Séc); Theodoros Zagorakis (Hy Lạp) – Milan Baros (CH Séc); Cristiano Ronaldo (BĐN); Wayne Rooney (Anh)


Minh Anh_Thứ tư, 01/06/2016 16:55
http://bongdaso.com/L%E1%BB%8ACH-S%E1%BB%AC-EURO-2004---C%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n-v%E1%BB%81-ph%C3%A9p-m%E1%BA%A7u-nhi%E1%BB%87m-_Art_164101.aspx

Tuesday, May 31, 2016

EURO 2000: Zidane – Người "nói chuyện với trái bóng"

Đã từng có nhiều giai thoại về Zinedine Zidane, có nhiều biệt danh mỹ miều dành cho chàng chiến binh đất cảng Marseille trong suốt sự nghiệp thi đấu, nhưng theo một cách giản dị nhất, ví von hình ảnh “Người nói chuyện với trái bóng” có lẽ hợp với cá tính và con người huyền thoại người Pháp nhất.


Người phát ngôn câu nói này là Jean Varraud – một cựu cầu thủ và cũng là người phát hiện ra Zidane khi chơi bóng trên những con phố ở ngoại ô Marseille. “Cậu bé ấy đi bóng qua 1, 2, 3, 5 rồi 6 đối thủ - thật là siêu phàm. Đôi chân cậu bé như đang nói chuyện với trái bóng vậy”. Đó là những lời đầu tiên Varraud nói về Zidane.

Cho đến tận khi kết thúc sự nghiệp thi đấu vào năm 2006, huyền thoại người Pháp vẫn để đôi chân mình có “những cuộc hội thoại” với trái bóng – thứ tình yêu làm ông và những người gốc Algeria nhập cư quên đi cuộc sống khó khăn.

Cựu HLV đội tuyển Pháp, Aime Jacquet, thì nhìn thấy “một tiềm năng bùng nổ” bên trong con người Zidane “vốn hiền lành, ít nói và hay ngại ngùng”. Nhưng đối với những người yêu bóng đá, một Zidane luôn “dốc bầu tâm sự với trái bóng” là hình ảnh quen thuộc hơn.


Sau World Cup 1998 mà Zidane ghi 2 bàn trong trận chung kết giúp đội tuyển Pháp lần đầu tiên vô địch thế giới, Euro 2000 thực sự là giải đấu đỉnh cao nhất của Zizou, cả về độ chín của tài năng, những màn trình diễn và kết quả cuối cùng trên đỉnh cao vinh quang.

Thực sự đúng với mối liên kết của những người bạn tâm giao, chia sẻ tất cả những gì mình có, đối xử với nhau bằng sự tri kỷ, Zidane và trái bóng mang tên Adidas Terrestra Silverstream đã cùng nhau tạo nên những vũ điệu mê hoặc lòng người.


Ở Euro 2000, những người yêu đội bóng áo Lam nói riêng và CĐV nói chung không thể nào quên được Zidane với những cú “xoay compa”, những pha đánh gót, những cú “vặn sườn”, những tình huống cầm bóng xộc thẳng vào hàng thủ đối phương rồi mở ra cơ hội cho đồng đội… Cái cách mà Zizou thực hiện mang lại cảm giác vô cùng đơn giản với người xem, nhưng đó quả thực là những kỹ năng khó.

Thật khó tin là trong một thân hình cao lớn – có phần hơi thô, Zidane sở hữu một kỹ năng xử lý, điều khiển bóng uyển chuyển, mềm mại, điêu luyện cùng khả năng cân bằng tuyệt vời. Zidane đối xử với trái bóng nhẹ nhàng và êm ái như với “người tình”.

“Cậu ta không phải là cầu thủ to cao nhất, cũng không nhanh nhất và tất cả những gì cậu ta nghĩ tới là giữ lấy trái bóng và đi cùng nhau” – Varraud nói chỉ một thời gian ngắn trước khi ông qua đời năm 2006.

Zidane chỉ ghi 2 bàn thắng tại Euro 2000, nhưng đó là những bàn rất quan trọng – một cú sút phạt để Pháp thắng Tây Ban Nha 2-1 tại tứ kết, một cú đá 11m ở hiệp phụ (bàn thắng Vàng) để vượt qua Bồ Đào Nha tại bán kết. Zizou cũng chỉ kiến tạo cho đồng đội 2 lần tại giải đấu, nhưng 1 trong số đó là tình huống giúp David Trezeguet ghi bàn thắng Vàng trong trận chung kết thắng Italia 2-1.


Ở một giải đấu có nhiều gương mặt nổi bật nhưng “show” trình diễn của Zidane đã thừa sức thuyết phục để UEFA cũng như tất cả chọn tiền vệ người Pháp là Cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Và Zidane – người nói chuyện với trái bóng, có lẽ, cũng là một trong những người thi đấu ở vị trí “số 10” cuối cùng đạt đến tầm cỡ vĩ đại trong lịch sử bóng đá.

Tam Nguyên_Thứ ba, 31/05/2016 15:00
http://bongdaso.com/EURO-2000-Zidane-%E2%80%93-Ng%C6%B0%E1%BB%9Di-n%C3%B3i-chuy%E1%BB%87n-v%E1%BB%9Bi-tr%C3%A1i-b%C3%B3ng-_Art_164064.aspx

LỊCH SỬ EURO: 2000 – Bàn thắng Vàng cuối cùng

Euro 2000 là giải đấu thứ 11 dành cho các ĐTQG châu Âu nhưng là lần đầu tiên chứng kiến 2 đội cùng đăng cai (Bỉ-Hà Lan), cũng như ghi nhận bàn thắng Vàng cuối cùng được thực hiện tại VCK.



Chạy đua đăng cai giải đấu năm 2000 còn có 2 quốc gia muốn đồng đăng cai là Tây Ban Nha và Áo, nhưng chiến thắng thuộc về Bỉ và Hà Lan. Giải đấu có sự hiện diện của 16 đội, trong đó, Bỉ và Hà Lan nghiễm nhiên có 2 suất.

Chặng đường vòng loại diễn ra từ năm 1998 đến 1999, trong đó, 49 đội chia thành 9 bảng. 9 đội đứng đầu cùng với đội nhì có thành tích tốt nhất giành vé vào thẳng VCK. 8 đội nhì bảng còn lại chia cặp đá play-off, giành 4 vé còn lại.

Tại VCK, một trong những bất ngờ lớn nhất xảy ra tại bảng A, khi Bồ Đào Nha kết thúc ở vị trí số 1 sau khi toàn thắng 3 trận, trong đó, họ vượt qua nhà ĐKVĐ Đức 3-0, ngược dòng thắng đội tuyển Anh 3-2 dù bị dẫn trước 2 bàn.

Bất ngờ tiếp theo là cả Đức và Anh đều dừng chân tại vòng bảng, bởi Romania là đội nối bước Bồ Đào Nha vào vòng tứ kết.

Chủ nhà Bỉ cũng phải kết thúc cuộc chơi sau vòng bảng. Cho dù thắng Thụy Điển ở trận ra quân thì sau đó là 2 thất bại trước Thổ Nhĩ Kỳ và Italia nên chỉ đứng thứ 3 bảng B.

Tại bảng D, đồng chủ nhà thể hiện rõ vị thế của ứng viên với vị trí đầu bảng, vượt qua cả tuyển Pháp – nhà ĐKVĐ thế giới. Cũng tại bảng đấu này, Đan Mạch thất bại cả 3 trận, thủng lưới 8 lần và không ghi bàn nào để xác lập kỷ lục cho đội bóng có kết quả tệ nhất tại các VCK.

Bảng C tưởng như dễ dàng với đội tuyển Tây Ban Nha nhưng rốt cuộc, họ phải chờ đến trận đấu cuối cùng với Nam Tư mới chắc chắn đi tiếp. Một trận đấu kịch tính khi Nam Tư dẫn 3-2 sau 75 phút thi đấu, nhưng trong những phút bù giờ, Tây Ban Nha ghi 2 bàn để thắng 4-3 và đứng đầu bảng. Nam Tư vẫn có vé đi tiếp, bởi trận còn lại giữa Na Uy và Slovenia bất phân thắng bại.

Tiến vào vòng tứ kết, Hà Lan tỏ rõ sức mạnh với chiến thắng 6-1 trước Nam Tư, trong khi Italia và Bồ Đào Nha nối dài thành tích ấn tượng bằng chiến thắng trước Romania và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cặp đấu đáng chú ý nhất vòng tứ kết là Tây Ban Nha gặp Pháp. Trước thế hệ Vàng của Les Bleus, Raul Gonzalez đá hỏng quả 11m ở cuối trận khiến Tây Ban Nha chấm dứt hy vọng bằng thất bại 1-2.


2 cặp đấu bán kết diễn ra vô cùng kịch tính. Italia – dù chơi thiếu người nhưng vẫn khuất phục Cơn lốc da cam Hà Lan. Đáng nói là, dù phải đối mặt với 2 cú đá 11m nhưng Francesco Toldo đã cứu được 1 quả, trước khi có 2 lần cản phá thành công nữa trong loạt sút luân lưu, đưa đội bóng Thiên thanh vào chung kết.

Trong khi đó, Bồ Đào Nhã gục ngã trước Pháp với bàn thua từ chấm 11m ở những phút cuối hiệp phụ thứ hai. Một số cầu thủ Bồ Đào Nha phản ứng dữ dội với phán quyết của trọng tài và phải nhận án phạt cấm thi đấu dài hạn.


Tại chung kết, sức mạnh phòng ngự của Italia được phát huy khi không cho người Pháp ghi bàn trong gần hết 90 phút. Tuy nhiên, đúng những giây cuối cùng, Les Bleus có được bàn gỡ hòa 1-1 và như chết đi sống lại, David Trezeguet đã ghi bàn thắng Vàng trong hiệp phụ để giúp Pháp trở thành đội đầu tiên vô địch châu Âu ngay sau khi vô địch thế giới.

Pha lập công của Trezeguet là bàn thắng Vàng thứ hai – cũng đồng thời là cuối cùng, trong lịch sử các trận chung kết ở VCK Euro, sau khi tất cả được chứng kiến thất bại quá nghiệt ngã đối với người Italia.


THÔNG TIN VỀ EURO 2000
- Số trận đấu: 31
- Số bàn thắng: 85 (2,74 bàn/trận)
- Vua phá lưới: Patrick Kluivert (Hà Lan), Savo Milosevic (Nam Tư) – 5 bàn
- Cầu thủ xuất sắc nhất: Zinedine Zidane (Pháp).
- Đội hình tiêu biểu: Francesco Toldo (Italia); Lilian Thuram (Pháp), Laurent Blanc (Pháp), Fabio Cannavaro (Italia), Paolo Maldini (Italia); Luis Figo (Bồ Đào Nha), Patrick Vieira (Pháp), Edgar Davids (Hà Lan), Zinedine Zidane (Pháp); Patrick Kluivert (Hà Lan), Francesco Totti (Italia).








Monday, May 30, 2016

EURO 1996: Sammer - Truyền nhân của Beckenbeuer

Sau thất bại ở EURO 1992 và World Cup 1994, Matthias Sammer đã tạo nên vết son chói lọi trên đất Anh ở EURO 1996. Đó là giải đấu là ngôi sao của Dortmund đã thể hiện xuất sắc phẩm chất của 1 libero và được đánh giá là truyền nhân của “Hoàng đế” Franz Beckenbauer…

Sammer được bình chọn là ngôi sao xuất sắc nhất EURO 1996
EURO 1996 là 1 trong những giải đấu đáng nhớ của ĐT Đức bởi họ đã thiết lập thế thống trị châu Âu với chức vô địch lần thứ 3. Nhắc tới thành công của ĐT Đức trên đất Anh, có thể kể ra những cái tên nổi bật như Andreas Kopke, Dieter Elits, Andreas Moller, Oliver Bierhoff hay thủ quân Jurgen Klinsmann… Tuy nhiên, người hùng của “cỗ xe tăng” ở giải đấu này lại là Matthias Sammer, người được ví là truyền nhân của “Hoàng đế” Franz Beckenbauer.

Từ tiền vệ trở thành 1 libero đẳng cấp
Matthias Sammer sinh ra ở Dresden (Đông Đức). Ông bắt đầu sự nghiệp là 1 tiền vệ phòng ngự cho CLB Dynamo Dresden và là 1 trong những người đầu tiên chuyển sang Tây Đức khoác áo Stuttgart (vào năm 1990). Sau 2 năm chinh chiến ở Stuttgart, Sammer đã chuyển tới Inter Milan. Tại đây, ông đã ghi được 4 bàn thắng sau 11 lần ra sân, trong đó có bàn thắng vào lưới Juventus ở trận derby d’Italia.

Tuy vậy, người Italia vẫn đánh giá đây là bản hợp đồng không thành công vì không phù hợp với lối chơi của Inter Milan. Do đó, vào tháng 1/1993, Matthias Sammer phải trở lại Đức khoác áo Dortmund. Ngay trong nửa mùa giải đầu tiên chinh chiến tại Westfallen, ông đã gây ấn tượng mạnh với 10 bàn thắng sau 17 lần ra sân.

Bất ngờ đã xảy ra ở mùa giải sau đó khi Sammer được HLV Ottmar Hitzfeld xếp đá vị trí trung vệ. Quyết định táo bạo này đã đưa Sammer trở thành 1 trung vệ đẳng cấp của bóng đá thế giới. Để rồi sau đó, Dortmund đã giành 2 chức vô địch Bundesliga liên tiếp (1995 và 1996). Chưa kể, sau đó, đội bóng vùng Ruhr còn giành Champions League năm 1997.

Trong những năm 90 của thế kỉ trước, bóng đá Đức rất thành công với các vị trí có tên gọi libero. Libero là người sẵn sàng dâng lên cao tấn công, ghi bàn hay tổ chức trận đấu khi đội nhà có bóng. Đồng thời, libero phải có tố chất chỉ huy hàng thủ, và bịt chặt những lỗ hổng của hàng phòng ngự đội nhà. Tóm lại, libero là nhà tổ chức trận đấu khi đội nhà tấn công và là chốt chặn cuối cùng khi đội nhà phòng ngự.

Vì vai trò đặc biệt ấy, người đá libero cần các phẩm chất đặc biệt về thể lực, kỹ thuật, khả năng đọc trận đấu và tố chất thủ lĩnh. “Hoàng đế” Franz Beckenbeuer được thừa nhận rộng rãi là libero xuất chúng nhất lịch sử. Mãi sau này, tới VCK EURO 1996, ông mới tìm được truyền nhân thực thụ. Đó là Matthias Sammer, người được coi là libero cuối cùng của bóng đá thế giới.

Sammer trong trận bán kết gặp chủ nhà Anh

EURO 1996 – Vết son cuối của Sammer
Ngay từ năm 1990, Matthias Sammer đã được triệu tập lên ĐT Đức nhưng phải tới EURO 1992 và World Cup 1994, ông mới có cơ hội tham dự những giải đấu lớn. Tuy vậy, EURO 1996 mới là giải đấu mà ngôi sao của Dortmund thể hiện đầy đủ phẩm chất của một thủ lĩnh ở hàng phòng ngự.

Thực tế, ở giải đấu năm đó, HLV Berti Vogts đã gặp khó khăn về nhân sự khi mất trung vệ trụ cột Jurgen Kohler vì chấn thương. Sự mất mát này buộc ĐT Đức phải sử dụng Matthias Sammer ở trung tâm hàng thủ như sự thay đổi HLV Ottmar Hitzfeld tại Dortmund.

Ở tuổi 29, Sammer là 1 trong những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm trận mạc nhất của ĐT Đức. Và ông đã không khiến HLV Berti Vogts thất vọng khi thể hiện cực kì xuất sắc vai trò của một libero. Nhờ tầm ảnh hưởng và tư chất thủ lĩnh của Sammer, Mannschaft đã dễ dàng vượt qua vòng bảng EURO 1996 mà không để lọt lưới bàn thua nào. Trong 3 trận vòng bảng, Sammer đã đóng góp 1 bàn thắng, đó là pha lập công mở tỷ số ở trận gặp Nga.

Trận tứ kết với Croatia chính là trận đấu thành công nhất của Matthias Sammer ở EURO 1996. Không chỉ thể hiện được vai trò dẫn dắt ở hàng phòng ngự, ngôi sao của Dortmund còn đích thân ghi bàn thắng quyết định giúp Đức vượt qua Croatia với tỷ số 2-1.

Ở trận bán kết gặp chủ nhà Anh, Matthias Sammer vẫn là 1 trong những nhân tố chơi nổi bật nhất. Ông giúp Đức cầm hòa Anh 1-1 trong 120 phút và sau đó xe tăng Đức đã thắng với tỷ số 6-5 trên loạt đấu súng cân não. Sau đó, HLV của đội tuyển Anh, ông Terry Venables đã phải thừa nhận “Matthias Sammer đã làm những điều phi thường. Cậu ta đã chấm dứt giấc mơ của chúng tôi”.

Khác với EURO 1992 và World Cup 1994, Sammer đã có cái kết hoàn hảo ở EURO 1996 khi cùng ĐT Đức tạo nên màn ngược dòng đầy cảm xúc trước CH Séc trong trận chung kết. Người hùng của Mannschaft khi đó là “siêu dự bị” Olivier Bierhoff, người đã ghi 2 bàn thắng sau khi vào sân từ băng ghế dự bị. Đội trưởng ở EURO 1996 của Đức là Jurgen Klinsmann. Nhưng thủ lĩnh về lối chơi và tinh thần lại chính là Sammer. Ông đã được UEFA bình chọn là ngôi sao xuất sắc nhất EURO 1996.

Chức vô địch EURO 1996 là vết son cuối cùng trong sự nghiệp quốc tế của Matthias Sammer bởi sau khi cùng Dortmund giành chức vô địch Champions League 1997, ông đã dính chấn thương gối khá nặng và phải nói lời giã từ sự nghiệp sân cỏ vào năm 1998. Kể từ đó tới nay, khái niệm libero trong bóng đá cũng biến mất…

Thành Nam_Thứ hai, 30/05/2016 17:59
http://bongdaso.com/EURO-1996-Sammer---Truy%E1%BB%81n-nh%C3%A2n-c%E1%BB%A7a-Beckenbeuer-_Art_164035.aspx

LỊCH SỬ EURO: 1996 - Người Anh cúi đầu trước “xe tăng”

Được thi đấu tại sân nhà, ĐT Anh đã có cơ hội không thể tốt hơn để cải thiện thành tích ở các VCK EURO. Chỉ tiếc rằng họ đã không thể làm nên chuyện trước cỗ xe tăng Đức…

Tiền đạo Bierhoff ghi bàn thắng vàng đầu tiên trong lịch sử EURO
Những cải tiến cách mạng ở VCK EURO 1996

VCK giải vô địch các quốc gia châu Âu lần thứ 10 được tổ chức tại Anh. Đây là giải đấu có nhiều thay đổi mang tính cách mạng. Đâu tiên, phải kể tới việc UEFA bắt đầu đặt tên giải đấu là UEFA EURO (thay vì UEFA European Nations Cup). Tên gọi ấy vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.

Thay đổi lớn nhất ở VCK EURO 1996 chính là việc tăng số đội tham dự từ 8-16. Thể thức này sau đó được duy trì qua các năm 2000, 2004, 2008 và 2012. Mãi tới năm 2016, UEFA mới quyết định tăng số đội tham dự lên 24.

Một cải tiến thú vị nữa ở VCK EURO 1996 là việc UEFA đã áp dụng luật bàn thắng vàng cho các trận đấu loại trực tiếp. Tiền đạo Olivier Bierhoff (Đức) chính là người đầu tiên ghi bàn thắng vàng và đó chính là pha lập công giúp Mannschaft hạ CH Séc, lên ngôi vô địch châu Âu lần thứ 3.

Luật bàn thắng vàng sau đó tiếp tục được áp dụng ở EURO 2000. Tuy nhiên, đến năm 2004, UEFA đã quyết định bỏ luật lệ này.

Đội tuyển Anh ở VCK EURO 1996

Nỗi buồn của người Anh
Trong quá khứ, nước Anh từng đăng cai 1 giải đấu lớn là World Cup 1966. Ở giải đấu năm đó, Tam sư với những ngôi sao lớn như Gordon Banks, Bobby Moore, Jimmy Greaves, Bobby Charlton, Geoff Hurst đã đăng quang sau khi vượt qua ĐT Đức 4-2 ở trận chung kết.

Bởi vậy, khi đăng cai VCK EURO 1996, người Anh rất kì vọng sẽ nâng cao thành tích của mình ở sân chơi châu lục. Trước đó, thành tích tốt nhất của họ chỉ là hạng 3 ở EURO 1968 (tại Italia).

Thực tế, ở VCK EURO 1996, ĐT Anh sở hữu dàn nhân sự khá tài năng với nhiều ngôi sao như David Seaman, Gary Neville, Paul Ince, Tony Adams, Paul Gascoigne, Alan Shearer, Teddy Sheringham, Steve McManaman hay Robbie Fowler,…

Ở vòng bảng, ĐT Anh khởi đầu không tốt khi bị Thụy Sỹ cầm hòa ở trận ra quân. Tuy nhiên, trong 2 trận còn lại, những chú Sư tử Anh đã vùng dậy với 2 chiến thắng trước Scotland và Hà Lan. Đặc biệt, ở trận hạ màn vòng bảng với Hà Lan, Tam sư đã giành chiến thắng đậm đà 4-1 với 2 cú đúp của Shearer và Sheringham.

Giành vé vào tứ kết với ngôi đầu bảng A, ĐT Anh đã gặp đối thủ khá xương xẩu là Tây Ban Nha, đội bóng về đích thứ 2 bảng B. Trận tứ kết này diễn ra rất căng thẳng và kịch tính nhưng lại không có nổi 1 bàn thắng trong suốt 120 phút. Trên loạt đấu súng cân não, ĐT Anh đã thể hiện bản lĩnh tốt hơn và giành chiến thắng với tỷ số 4-2.

Khó cho ĐT Anh là ở vòng bán kết, họ phải chạm trán ĐK Á quân Đức. Không nằm ngoài dự đoán, đội bóng của HLV Terry Venables đã gặp quá nhiều khó khăn trước tinh thần thép của người Đức. Họ sớm vượt lên dẫn trước với pha lập công của Alan Shearer ở phút thứ 3 nhưng đã bị Stefan Kuntz gỡ hòa ở phút 16.

Trận đấu diễn ra rất kịch tính và cân bằng nhưng rốt cuộc vẫn phải xác định kẻ thắng – người thua trên loạt đấu súng định mệnh. Kết quả, Tam sư đã để thua với tỷ số 5-6. Người đá hỏng của 11m cuối cùng của đội chủ nhà là hậu vệ Gareth Southgate. Thất bại này đã đập tan hy vọng vào chung kết EURO lần đầu tiên của ĐT Anh. Kể từ thất bại trước ĐT Đức tới nay, đội bóng đảo quốc Sương mù vẫn chưa thể góp mặt ở 1 vòng bán kết EURO chứ chưa nói tới chuyện vào CK và vô địch.

ĐT Đức lần thứ 3 giành chức vô địch châu Âu

Xe tăng Đức thiết lập thế thống trị châu Âu

Trước VCK EURO 1996, ĐT Đức chính là đội bóng thành công nhất khi có tới 4 lần vào chung kết và 2 lần giành chức vô địch (1972 và 1980). Tới Anh với vị thế Nhà ĐK Á quân, Đức vẫn được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất khi sở hữu nhiều tài năng đang ở độ chín như Andreas Kopke, Matthias Sammer, Andreas Moller, Markus Babel, Jurgen Klinsmann, Dieter Elits hay Stefan Reuter…

Với đội hình tài năng, được dẫn dắt bởi HLV Berti Vogts, xe tăng Đức không gặp quá nhiều khó khăn để dẫn đầu bảng C vòng loại (bảng đấu có sự góp mặt của Italia, Nga và CH Séc). Kết quả cụ thể, Đức đã đánh bại CH Séc và Nga với các tỷ số lần lượt là 2-0 và 3-0 trước khi cầm hòa Italia 0-0 để giành ngôi đầu bảng C.

Ở vòng tứ kết, ĐT Đức chạm trán “ngựa ô” Croatia, đội bóng được đánh giá khá cao với một số ngôi sao lớn như Davor Suker, Pronisecki, Jarni hay Zvonimir Boban. Matthias Sammer, một libero truyền thống cuối cùng của bóng đá Đức và là người kế tục xuất sắc của “Hoàng đế” Beckenbauer, đã có một giải đấu cực kỳ thành công. Sammer đảm nhận rất tốt vai trò của một libero. Chính anh là người ghi bàn quyết định ở trận tứ kết gặp Croatia, giúp Đức vào bán kết với chiến thắng 2-1.

Ở vòng bán kết, ĐT Đức đã đòi lại món nợ trước Anh (thua ở CK World Cup 1966) bằng chiến thắng kịch tính 6-5 trên loạt đấu súng cân não. Cặp bán kết còn lại đã chứng kiến bất ngờ lớn khi CH Séc vượt qua ĐT Pháp cũng với tỷ số 6-5 ở loạt đá 11m.

Trận chung kết EURO 1996 bất ngờ lại trở thành màn hội ngộ giữa Đức và CH Séc, 2 đội đã gặp nhau ở vòng đấu bảng (khi ấy Đức thắng 2-0).

Khác với trận đấu ở vòng bảng, CH Séc đã chứng tỏ họ xứng đáng có mặt ở chung kết khi thiết lập lối chơi cực kì khó chịu. Thậm chí, đội bóng xứ sở pha lê còn có bàn thắng dẫn trước nhờ công của Patrik Berger trên chấm phạt đền. Những tưởng ĐT Đức lần thứ 2 liên tiếp vô duyên với chức vô địch châu Âu thì kịch bản lại thay đổi toàn diện bởi 1 quyết định, đó là việc HLV Berti Vogts tung “siêu dự bị” Oliver Bierhoff vào sân thay Mehmet Scholl ở phút 69.

Chỉ 4 phút vào sân thay người, chân sút đang khoác áo Udinese đã khiến sân Wembley nổ tung bằng cú đánh đầu dứt khoát gỡ hòa 1-1 cho ĐT Đức. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1, buộc 2 đội phải đá thêm hiệp phụ. Và đây chính là thời điểm mà Bierhoff ghi dấu ấn vĩ đại của mình với cú dứt điểm ấn định chiến thắng 2-1 cho Mannschaft. Đáng chú ý, anh là người đầu tiên ghi bàn thắng vàng trong lịch sử EURO.

Giành chức vô địch châu Âu lần thứ 3, ĐT Đức đã thiết lập thế thống trị ngay trên đất Anh. Tiếc rằng kể từ đó cho tới nay, xe tăng Đức vẫn chưa thể bước lên ngai vàng và họ đã bị Tây Ban Nha san bằng kỉ lục (cùng 3 lần vô địch).

THÔNG TIN VỀ EURO 1996
- Số trận đấu: 31
- Số bàn thắng: 64 (Trung bình: 2,06 bàn/1 trận)
- Vua phá lưới: Alan Shearer (Anh, 5 bàn)
- Cầu thủ xuất sắc nhất: Matthias Sammer (Đức)
- Bàn thắng nhanh nhất: Alan Shearer (Anh, phút thứ 3 trong trận gặp Đức); Hristo Stoichkov (Bulgaria, phút thứ 3 trong trận gặp Rumani)
- Đội hình tiêu biểu: Andreas Kopke (Đức) - Laurent Blanc, Marcel Desailly (Pháp); Matthias Sammer (Đức); Paolo Maldini (Italia) - Paul Gascoigne (Anh); Karel Poborsky (CH Séc); Dieter Eilts (Đức) - Alan Shearer (Anh); Hristo Stoitchkov (Bungari); Davor Suker (Croatia).

Phương Minh_Thứ hai, 30/05/2016 13:53
http://bongdaso.com/L%E1%BB%8ACH-S%E1%BB%AC-EURO-1996---Ng%C6%B0%E1%BB%9Di-Anh-c%C3%BAi-%C4%91%E1%BA%A7u-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-xe-t%C4%83ng-_Art_164029.aspx

Sunday, May 29, 2016

EURO 1992: Siêu anh hùng Peter Schmeichel

Đan Mạch đã lập nên kì tích ở VCK Euro 1992 tại Thuỵ Điển và trong kì tích ấy không thể không nhắc đến Peter Schmeichel.



Bởi Peter Schmeichel đã có một giải đấu xuất sắc nhất và đáng nhớ nhất trong 14 năm sự nghiệp quốc tế của mình. Cho đến bây giờ khi nhớ lại kì tích tại Euro 1992, cựu thủ môn Man United vẫn nói: “Không thể tin nổi. Thực sự là không thể tin nổi”.

Peter Schmeichel không tin và dĩ nhiên vào thời điểm đó chẳng ai tin Đan Mạch, đội bóng đến Thuỵ Điển bằng tấm vé vớt có thể giành chức vô địch thế nhưng họ đã làm được, họ đã làm được điều thần kì nhờ lối chơi tập thể gắn kết, nhưng cũng không thiếu những ngôi sao, điển hình là Peter Schmeichel.

Chẳng phải tự nhiên mà Peter Schmeichel được bình chọn là Thủ môn xuất sắc nhất VCK Euro 1992 và Thủ môn xuất sắc nhất châu Âu năm 1992. Tất cả những gì Peter Schmeichel giành được là nhờ vô số màn trình diễn tuyệt đỉnh ở Thuỵ Điển vào mùa hè cách nay 24 năm, đặc biệt ở 2 trận knock-out (bán kết và chung kết).

Trong trận bán kết đối đầu đối thủ rất mạnh vào thời điểm đó, ĐKVĐ Hà Lan với hàng loạt siêu sao lừng lẫy thế giới như Gullit, Koeman, Van Basten, Rijkaard và Bergkamp…, Peter Schmeichel đã khiến tất cả phải lu mờ với những pha cản phá xuất thần làm ngay cả đối thủ cũng phải nản lòng.

Không quá lời khi nói Peter Schmeichel đã đưa Đan Mạch vào chung kết bởi cựu thủ môn Man United đã xuất sắc đẩy được cú đá ở loạt sút luân lưu của Van Basten (cú đá hỏng duy nhất), biến Hà Lan thành cựu vô địch, giúp Những chú lính chì giành chiến thắng 5-4 (hoà 2-2 ở 90 phút chính thức và 2 hiệp phụ).

Tuyệt vời hơn nữa, trong trận CK gặp ĐKVĐ thế giới Đức, Peter Schmeichel tiếp tục trình diễn phong độ chói sáng. Trong 15 phút đầu trận, trước sự dồn ép khủng khiếp của Đức, Peter Schmeichel đã xuất sắc đẩy được ít nhất 3 cơ hội có thể ghi bàn của đối phương. Sự vững chắc của Peter Schmeichel giúp các đồng đội tràn đầy tự tin trước khi họ hạ gục Đức (2-0), giành ngôi Quán quân Euro trong sự ngỡ ngàng của giới mộ điệu toàn thế giới.


Lịch sử bóng đá Đan Mạch khắc tên Peter Schmeichel, lịch sử Euro 1992 khắc tên Peter Schmeichel.

Xuân Hà_Thứ bảy, 28/05/2016 15:09
http://bongdaso.com/EURO-1992-Si%C3%AAu-anh-h%C3%B9ng-Peter-Schmeichel-_Art_163961.aspx

LỊCH SỬ EURO: 1992- Những chú lính chì… không biết sợ

Cho đến nay việc Đan Mạch giành chức vô địch Euro 1992 vẫn luôn được nhắc đến để chứng minh rằng, trong bóng đá không gì là không thể.


Euro 1992 tại Thuỵ Điển là VCK châu Âu thứ 9 trong lịch sử với rất nhiều sự kiện đặc biệt và thú vị. Đây là giải đấu đầu tiên tên các cầu thủ được in trên áo đấu, giải đấu đầu tiên sau sự tan rã của Liên Xô... Đây cũng là giải đấu cuối cùng mỗi trận thắng được tính 2 điểm và cũng là giải đấu cuối cùng thủ môn được bắt bóng khi đồng đội chuyền về…

Tuy nhiên, thú vị và ngạc nhiên nhất vẫn là hiện tượng Đan Mạch. Đứng thứ 2 ở vòng loại, Những chú lính chì dũng cảm đành ngậm ngùi nhìn Nam Tư giành vé đến Thuỵ Điển. Thế nhưng, vận may đã đến với Đan Mạch khi Nam Tư bị UEFA loại vì chiến tranh và tấm vé được trao cho họ.

Thầy trò Richard Moller Nielsen chỉ có đúng 1 tuần chuẩn bị cho Euro 1992 và dĩ nhiên bị đánh giá là đội lót đường ở giải đấu. Đó còn chưa kể họ đến Thuỵ Điển mà không có sự góp mặt của ngôi sao lớn nhất vào thời điểm đó là Michael Laudrup, cựu tiền vệ Barca giã từ tuyển quốc gia vì mâu thuẫn với HLV Nielsen. 

Chẳng ai tin Đan Mạch có thể vượt qua được vòng bảng khi nằm ở bảng đấu quá khó với chủ nhà Thuỵ Điển, Anh và Pháp. Thế nhưng với tinh thần ‘không hề biết sợ’ như tiết lộ của cựu tiền vệ Kim Vilfort, Những chú lính chì dũng cảm đã gây chấn động bóng đá châu Âu cũng như thế giới.

Trong trận mở màn vòng bảng, Đan Mạch đã gây bất ngờ khi cầm hoà Anh (0-0). Tất cả đều tin rằng Đan Mạch phải sớm xách vali về nước sau lượt trận thứ 2 (thua Thuỵ Điển 0-1) thế nhưng thầy trò Nielsen đã gây sốc khi hạ tuyển Pháp ở trận cuối cùng (2-1) để rồi hiên ngang tiến vào bán kết.

Những chú lính chì dũng cảm tiếp tục khiến giới mộ điệu kinh ngạc khi đánh bại ĐKVĐ Hà Lan ở vòng bán kết (hoà 2-2, thắng 5-4 trên chấm 11m). 

Ngay cả khi loại được đội bóng hùng mạnh Hà Lan thì cũng chẳng ai tin Đan Mạch tiếp tục gây sốc trong trận CK trước ĐKVĐ thế giới Đức. Thế nhưng, đoàn quân của Nielsen, với lối chơi tập thể rất gắn kết, đã gây siêu sốc khi đánh bại tuyển Đức một cách thuyết phục (2-0) để giành chức vô địch châu Âu trong sự ngỡ ngàng của giới mộ điệu.

12 năm sau khi Đan Mạch bất ngờ lên ngôi ở Thuỵ Điển, Hy Lạp cũng theo bước chân của Những chú lính chì dũng cảm, gây sốc khi lên ngôi ở Euro 2004, cũng bằng lối đá tập thể không thể đánh bại. Đáng chú ý là tròn 12 năm trước đó, Bỉ cũng đã gây sốc tại Euro 1980 khi lọt vào đến trận chung kết, thua Tây Đức.12 năm sau khi Hy Lạp lên ngôi ở Bồ Đào Nha, đội bóng nào sẽ tiếp bước họ, Bỉ và Đan Mạch gây sốc ở Pháp hè này?


Thông tin về Euro 1992
+ Vô địch: Đan Mạch
+ Á quân: Đức
+ Vua phá lưới: Dennis Bergkamp, Tomas Brolin, Henrik Larsen, Karl-Heinz Riedle(cùng ghi 3 bàn).
+ Đội hình xuất sắc nhất: Peter Schmeichel (Đan Mạch),  Jocelyn Angloma (Pháp), Laurent Blanc (Pháp),  Andreas Brehme (Đức), Jürgen Kohler (Đức), Stefan Effenberg (Đức), Ruud Gullit (Hà Lan), Thomas Häßler (Đức), Brian Laudrup (Đan Mạch), Marco van Basten (Hà Lan), Dennis Bergkamp (Hà Lan).


Hữu Hải_Thứ bảy, 28/05/2016 11:32
http://bongdaso.com/L%E1%BB%8ACH-S%E1%BB%AC-EURO-1992--Nh%E1%BB%AFng-ch%C3%BA-l%C3%ADnh-ch%C3%AC%E2%80%A6-kh%C3%B4ng-bi%E1%BA%BFt-s%E1%BB%A3-_Art_163956.aspx

EURO 1988: Marco van Basten - Thiên nga vùng Utrecht

Ngày cuối cùng của tháng 10 năm 1964, một người con ưu tú của Hà Lan đã ra đời. Đó chính là “thiên nga” Marco van Basten.


Mạnh mẽ nhưng kỹ thuật, nhận thức chiến thuật tuyệt vời và sở hữu những pha dứt điểm - vô-lê ngoạn mục, Van Basten được ưu ái ví với thiên nga. Lối chơi của anh vừa đẹp, vừa nhẹ nhàng mà vẫn đầy say mê như loài chim này.

Cho dù sự nghiệp bị cắt ngắn vì chấn thương, Van Basten vẫn ghi dấu như một trong những tiền đạo vĩ đại nhất lịch sử bóng đá với 3 danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu. Đỉnh cao của Van Basten chính là chức vô địch Euro 1988 cùng Hà Lan, giải đấu mà anh giành giải Vua phá lưới với 5 bàn thắng, trong đó có bàn thắng kinh điển với lưới Liên Xô ở trận chung kết.

Cần nhấn mạnh thành tích của Van Basten bởi lẽ anh đến Tây Đức với chấn thương. Ở trận đấu đầu tiên gặp Liên Xô, Van Basten không thể ra sân và Hà Lan thua 0-1. Trở lại sau đó, tiền đạo có sải chân dài này lập tức tỏa sáng, lập 1 hat-trick giúp đội bóng áo da cam đánh bại Anh với tỉ số 3-1 và nuôi hy vọng đi tiếp.

Oranje tiến vào vòng bán kết nhờ chiến thắng muộn màng trước CH Ailen và từ đó, Van Basten trở thành nhân vật chính của giải đấu. Ở trận bán kết gặp đội chủ nhà Tây Đức, số 12 ghi 1 bàn thắng tuyệt đỉnh ấn định chiến thắng 2-1 cho Hà Lan, qua đó giúp họ lọt vào trận chung kết Euro đầu tiên trong lịch sử.

Ở trận chung kết, Hà Lan tái ngộ đối thủ hùng mạnh Liên Xô, nhưng lần này, họ có Van Basten trong đội hình xuất phát. Sau bàn mở tỉ số của Gullit, “Thiên nga vùng Utrecht” đã khiến cầu trường nổ tung với cú vô-lê huyền thoại còn được nhắc đến mãi sau này.

Chính phong độ chói sáng ở Euro 1988 đã giúp Van Basten giành luôn giải Quả bóng vàng châu Âu - giải thưởng tương đương với Quả bóng vàng FIFA hiện nay.

Không chỉ thành công ở ĐTQG, Van Basten còn giành vô số danh hiệu ở cấp CLB với 2 đội bóng Ajax và Milan.

Sau khi giúp Ajax giành 3 chức vô địch Hà Lan, Van Basten chuyển đến Milan vào năm 1987 và mở ra thời kỳ huy hoàng của CLB này với những “người Hà Lan bay” với 4 chức vô địch Serie A và 2 cúp C1 châu Âu liên tiếp vào các năm 1989, 1990.

Đáng tiếc cho Van Basten và bóng đá thế giới khi sự nghiệp của tiền đạo này phải dừng lại sớm vì chấn thương nặng ở năm 1993 - khi anh đang ở độ chín nhất của đời cầu thủ.

Tiểu Phi_Thứ sáu, 27/05/2016 21:06
http://bongdaso.com/EURO-1988-Marco-van-Basten---Thi%C3%AAn-nga-v%C3%B9ng-Utrecht-_Art_163935.aspx